LỊCH SỬ HỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu  (tt)

Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 

 

Buổi chiều ngày 25.1.1880, ba người ông Olcott, HPB và Damodar, ra bến tầu hóng mát, ngồi trên xe ngựa do Damodar tặng cho HPB. Lúc đó trời có sấm chớp lóe sáng như ban ngày, mà không có mưa. Hai vị hút thuốc và trò chuyện này kia, rồi họ nghe có nhiều giọng nói vang ra từ ngôi nhà trên đường cách chỗ họ dừng xe không xa lắm. Chẳng mấy chốc một nhóm người Ấn ăn mặc chững chạc, cười nói đi tới, ngang qua ba người và lên xe ngựa của họ chờ trên đường Worli, đi vào thành phố.
Khi thấy họ, Damodar, ngồi đâu lưng với người đánh xe, đứng dậy nhìn về phía đó. Lúc nhóm người cuối vui vẻ ngồi xe đi ngang với xe của ba người, anh yên lặng chạm vào vai ông và hất đầu ra hiệu cho ông nhìn về hướng đó.  Ông Olcott đứng dậy thấy đằng sau nhóm chót hết này có một người đơn độc bước tới gần. Giống như mọi người khác họ mặc y phục trắng, nhưng ánh chớp làm nó hóa thành như mầu xám. Nhân vật cao hơn nhóm người đi trước họ cả một đầu, cung cách bước đi thật là thanh nhã lý tưởng.
Khi tới đầu ngựa của xe ba người, nhân vật rẽ qua đường đi về phía họ và ông Olcott cùng Damodar, không kể tới HPB, thấy đó là một Mahatma - Chân sư. Ngài đội khăn quấn đầu trắng, y phục và tóc sậm mầu thả xuống vai với hàng râu rậm làm cả nhóm nghĩ đó là một Chân sư họ đã biết, nhưng khi ngài tới ngang bên hông xe, đứng cách họ chưa tới một thước, đặt tay lên tay trái của HPB lúc ấy gác lên thành xe, nhìn vào mắt mọi người và đáp trả lại lời chào cung kính của cả nhóm, họ thấy đó không phải là Vị đã tưởng mà là một Chân sư khác, có hình mà về sau HPB lồng trong nữ trang đeo cổ nhiều người thấy và biết.
Ngài không thốt lời nào mà lặng lẽ đi về hướng cầu tàu, như không quan tâm chút gì đến những người Ấn sôi nổi trên xe ngựa quay vào thành phố. Ánh chớp tiếp tục lóe lên soi sáng ngài lúc Chân sư đứng với ba người, và khi thân hình cao lớn của ngài đứng áng đường chân trời và cầu tầu, ông Olcott để ý là cây đèn của chiếc xe ngựa cuối tạo nên bóng ngài rõ ràng, khi Chân sư cách xa bọn họ gần năm mươi thước, đi trên cầu tầu. Không có cây hay lùm bụi gì che ngài với cả nhóm, và tự nhiên là cả ba chăm chú nhìn kỹ ngài. Họ thấy Chân sư phút này và phút sau ngài mất dạng, biến mất tăm như ánh chớp. Ông Olcott bị khích động nên nhẩy khỏi xe, chạy tới chỗ thấy ngài lần chót nhưng không có ai ở đó. Ông không thấy gì ngoài trừ đường vắng và đuôi chiếc xe vừa chạy ngang qua.

X.  Chuyến Đi Ceylon Đầu Tiên

Ba tháng sau, 25.4.1880 ông bà Coulomb từ Ceylon đến Bombay gần như là tay trắng, hành lý không có gì ngoài trừ hộp đồ nghề của ông Coulomb và gói quần áo, được ông Olcott và bà Blavatsky mời tạm trú với hai vị. Có thỏa thuận là hai người sẽ ở với hai vị cho tới khi họ tìm được việc làm rồi sau đó tự lo thân. Theo cách này, ông Olcott nhờ thân hữu kiếm được một chỗ làm cho ông Coulomb tại xưởng bông vải, nhưng ông không làm ở đó lâu vì bất hòa với chủ, và bỏ việc. Bởi không tìm ra nơi nào khác, hai ông bà Coulomb tiếp tục sống với hai vị và không có kế hoạch xác định cho tương lai. Ông Coulomb là thợ máy khéo léo còn bà thì thực tế, chịu khó, và bởi cả hai đều chăm làm việc, ông Olcott hòa hợp với họ do đối xử tốt lành với hai người, nên họ được xem như là người trong nhà. Ông không nghe cả hai nói điều gì không hay về hành vi của HPB trong thời gian bà ở Cairo mà ngược lại, có vẻ như cả hai có sự kính trọng tột mức và quí mến đối với HPB.
Dần dần, đông người gia nhập hội mà một số về sau trở thành hội viên nồng cốt. Thí dụ ngày 9.4.1880 ông Tookaram Tatya là thương gia về bông vải đến, nói rằng ông hết sức quan tâm đến Yoga, và từ đây khởi sự mối quen biết giữa ông và hội, dẫn tới việc ông trở thành một trong những hội viên tận tụy cho hội. Ban đầu ông chỉ đứng xa quan sát, không chắc là ông Olcott và bà Blavatsky sang Ấn Độ với thiện chí. Sự hiểu biết của ông Tatya về người tây phương làm ông không tin là người như hai vị có thể rời nhà cửa xứ sở của mình chỉ để học hỏi triết lý đông phương, mà phải có ẩn ý gì khác trong đó. Nay hơn một năm trôi qua từ ngày hai vị tới Ấn mà chưa có ai khám phá điều gì không hay về hai người. Vì thế, bởi rất quan tâm về những đề tài mà ông Olcott và bà Blavatsky bàn tới, ông quyết định đến xem hai vị là người thế nào. Ông Olcott không thể nào quên cuộc nói chuyện lần đầu này, vì nó làm hai người hiểu nhau như thể đã là bạn lâu năm.
Dầu vậy, hội viên thành tâm như ông Tatya thuộc về thiểu số, với ông Olcott ghi nhận rằng đa số người gia nhập chỉ để mong được thấy phép lạ. Cùng lúc ấy, ông cũng không thể bác bỏ sự kiện là một phần lớn công chuyện khó nhọc cũng đã được thực hiện qua bao năm tháng, do động lực là hy vọng được tới gần Chân sư, và có thể đạt được phần nào quyền năng như của HPB. Theo ông, niềm mong ước đó khiến hàng trăm người xứng đáng dễ dàng biến thành nạn nhân mỗi khi có tai tiếng về hội. Từ việc là thân hữu hết lòng, họ thường trở thành người chống đối mạnh mẽ.
Cũng vào dịp này, sự hợp tác của hội với tổ chức Ấn giáo Arya Samaj bị tan vỡ, nhóm này không muốn tạp chí Theosophist quan tâm về Phật giáo và Hỏa giáo, mà gần như muốn nó chỉ chú trọng tới Ấn giáo. Đây không phải là chủ trương của hai vị nên ông Olcott và bà Blavatsky đã chọn tách rời khỏi tổ chức Samaj. Cho tới lúc này hội có hội chánh vẫn tại New York, và có ba chi bộ tại London, Corfu và Bombay.
Từ lâu các vị tăng lãnh đạo và người trong cộng đồng Phật tử tại Ceylon đã ngỏ ý muốn hai vị đi thăm Ceylon, giờ hai vị đã quyết định và việc chuẩn bị xẩy ra trong suốt tháng tư. Hai người phải làm trước hai hay ba số báo Theosophist nên công việc thường kéo dài tới khuya. Khi mọi chuyện sẵn sàng, nhóm lên tầu ngày 7.5.1880 đi Ceylon. Ta đã thuật chuyện HPB làm hiện tượng trên tầu trong chuyến đi này, cùng việc bà tiên đoán cho thuyền trưởng trong PST số 57, xin bạn đọc lại.
Ceylon là đất nước xa lạ với ông Olcott nên ông hứng thú quan sát đời sống nơi đây. Ngày 16.5.1880 tầu cập bến Colombo, vị sư trưởng cùng tăng chúng trong tu viện và các cư sĩ lên tầu chào đón phái đoàn. Để hiểu rõ hoạt động tích cực và rộng rãi của ông Olcott tại đây, ta cần ra ngoài đề một chút và nói qua về tình hình dân chúng ở Ceylon vào thời điểm ấy. Celylon chịu ảnh hưởng của Bồ Đào Nha và Hòa Lan trước khi bị Anh chiếm làm thuộc địa. Kết quả là một số dân chúng mang tên họ của hai nước trên, và các chi phái của Thiên Chúa giáo, là tôn giáo của kẻ cai trị, chiếm ưu thế so với Phật giáo là tôn giáo của đa số dân bản xứ.
Trong số các cư sĩ bản xứ mà ông Olcott gặp, một số là hội viên gia nhập từ khi ông còn ở tại Hoa Kỳ chưa sang Ấn. Lúc nhận đơn xin vào hội, ông ngạc nhiên với các tên tây phương từ Ceylon, nay gặp tận mặt ông thấy đó là những người Phật tử thông minh, hữu hiệu và chân thật nhất mà ông đã biết. Tuy nhiên việc người bản xứ mang tên họ tây phương trong khi tên bằng Phạn ngữ thích hợp hơn cho họ, cũng như là đẹp đẽ hơn, theo ông là điều làm hổ thẹn cho nước ấy.
Từ Colombo phái đoàn tiếp tục đi tầu để Galle và thực sự xuống bến tại đây. Khi về nhà nghỉ hai vị vẫn chưa được nghỉ ngơi vì khách đến thăm không ngớt, từ tăng sĩ các chùa lại chào và chúc lành, cho đến dân chúng đứng chen chúc ở cửa và cửa sổ nhìn vào. Chẳng những vậy, các vị tăng do đã đọc bộ Isis Unveiled giờ nài xin bà biểu lộ quyền năng, rồi hiện tượng bà tạo trên tầu cũng được biết tới, khiến chủ nhà nơi phái đoàn tạm trú cũng xin được làm cho họ. HPB làm vừa lòng mọi người, và ngày hào hứng chấm dứt với việc bà tạo ra tiếng chuông ngân vang trong trẻo các nơi trong nhà và ngoài hàng hiên. Phải đến 11 giờ đêm hai vị mới có thể ngả lưng.
Ngày 22.5.1880 ông Olcott có buổi giảng trước cử tọa 2.000 người, đây là buổi đầu tiên trong rất nhiều buổi giảng mà ông sẽ có trong những năm sau khi trở lại nơi đây nhiều lần nữa. Lúc nói xong, ông Olcott và bà Blavatsky ngạc nhiên thấy không ai vỗ tay. Nếu là cử tọa tây phương không có thiện cảm với triết lý Phật giáo thì điều ấy dễ hiểu, nhưng đây là thính giả Phật tử, đông đầy chật nghẹt trong phòng đến ngạt thở, vậy hẳn ông phải nói dở lắm.
Tuy nhiên khi nghe nhận xét của ông, những người bạn mới quen bác bỏ ngay.
- Ai nói đó là bài thuyết giảng không hay ? Coi coi, tại Ceylon chúng tôi chưa được nghe bài nào tuyệt như thế từ trước đến giờ.
Ông Olcott đáp.
- Nhưng vậy không đúng, không có ai vỗ tay hay tỏ ý mãn nguyện.
- Ai lại muốn làm thế ? người ta sẽ phạt ngay kẻ nào dám ngắt lời ông !
Thân hữu giải thích rằng theo tục lệ cử tọa không bao giờ làm gián đoạn thuyết trình viên về đề tài tôn giáo,  mọi người kính cẩn lắng nghe rồi khi ra về, suy gẫm những điều mà họ giảng. Các bạn mới quen người bản xứ hãnh diện vạch ra rằng cử tọa đã tỏ lòng khen ngợi ông rất cao, khi thính phòng chật cứng người lắng nghe mà không có tiếng động nào.

XI. Công Chúng Nồng Nhiệt.

Sự việc trên chỉ là phần mở màn cho cuộc thăm viếng của ông Olcott và bà Blavatsky ở Ceylon. Hai vị được đón mừng ở bất cứ nơi nào họ đến, với cổng chào bằng lá cái này sau cái kia dựng trên đường dài nhiều cây số. Dân chúng hân hoan tiếp hai vị bởi đây là hai người da trắng đầu tiên lên tiếng bênh vực Phật giáo, đăng đàn trưng ra những điều tuyệt diệu của tôn giáo này, vạch cho thấy Phật giáo làm thỏa mãn ra sao, đối đầu với các nhà truyền giáo, những ai là kẻ thù và là người lăng mạ tôn giáo của họ. Ấy là điều làm tâm trí dân bản xứ khích động, khiến quả tim dễ cảm của họ phồng to lên muốn vỡ bung.
Ông Olcott có nhiều buổi giảng, có buổi cử tọa lên đến 3.000 người, trọn đám đông xướng lời qui y ngũ giới và tam bảo theo sau các tăng sĩ làm ông rất cảm kích. Không có gì làm gây xúc động hơn việc mọi người đồng cất tiếng như chỉ có một giọng, sự rung động của hàng ngàn giọng người kết hợp thành làn sóng âm thanh nhịp nhàng hùng mạnh. Sang ngày 25.5.1880 HPB và ông Olcott thọ ngũ giới tại một đền thờ dưới sự chứng kiến của một vị sư trưởng, chính thức qui y tam bảo thành Phật tử. Trước đây tại Hoa Kỳ, hai vị đã từng tuyên bố công khai hoặc cho biết một cách riêng tư rằng họ là Phật tử, nên buổi lễ này chỉ là việc chính thức xác nhận điều trên.
HPB quỳ trước tượng Phật to lớn, với ông Olcott quỳ bên cạnh. Hai vị lập lại lời nguyện bằng tiếng Nam Phạn - Pali theo sau vị sư trưởng, nhờ có bạn quì sau nhắc giùm. Khi họ nguyện xong và dâng hoa theo thủ tục, dân chúng đứng quanh reo hò một lúc lâu mới yên lặng trở lại để nghe bài giảng ngắn của ông Olcott, theo lời yêu cầu của vị sư trưởng. Ông vạch rõ là nếu Phật giáo có chứa giáo điều bắt buộc hai vị phải chấp nhận, thì họ đã không qui y ngũ giới hay chịu làm Phật tử đến năm phút. Phật giáo mà hai vị theo là tôn giáo của vị Đại Tôn Sư đức Phật Gautama, đồng nghĩa với Tôn giáo Minh triết của kinh Upanishads, là linh hồn của mọi tôn giáo cổ xưa. Nói ngắn gọn thì Phật giáo mà hai vị theo là một triết lý, không phải là tín điều.
Buổi chiều cùng ngày, ông Olcott nhận hội viên gia nhập hội và cùng với các tân hội viên lập chi bộ tại Galle. Công việc khiến phải tới một giờ sáng ông mới có thể đi ngủ. Diễn biến như thế trở thành việc thường lệ từ đây cho mỗi nơi mà ông đến. Không riêng gì Phật tử đón tiếp phái đoàn mà một nhóm ngư phủ bản xứ theo Thiên Chúa giáo cũng muốn đóng góp, những người này không trực tiếp đến gặp ông mà nhờ người trung gian chuyển lời, rằng họ xin phép được lo việc di chuyển của phái đoàn từ Galle đi Colombo gồm hai xe.
Lòng chân thành của nhóm người nghèo này làm ông Olcott xúc động, ông nhắn lời muốn gặp ban đại diện để đích thân cám ơn. Ông tỏ ý không muốn họ chịu tổn phí gì nhưng lập tức bị phản đối, khiến phải nhận đề nghị của họ và ngỏ lời cảm tạ.
Gần như trọn tất cả Phật tử tại Galle đi tiễn đưa phái đoàn, kêu to chúc tụng. Chuyến đi phải dừng lại nhiều nơi, vì dọc theo lộ trình khi có đám đông tụ họp để nhìn xe đi qua, họ được mời ngừng lại giải khát, và chỗ nào quá đông như có nơi đến 2.000 người đứng chờ, ông phải ra khỏi xe ngỏ lời chào mừng dân chúng. Theo cách đó ngày hôm sau ông Olcott phải đọc bốn bài diễn văn. Nói chung mỗi ngày diễn ra như thế trên đường tới Colombo, và đám đông chờ nghe thuyết giảng thay đổi từ 500 đến 5.000 người mỗi chỗ họ dừng chân. Ở chặng cuối, ông Olcott và bà Blavatsky đi thăm một thánh tích mà truyền thống cho là răng đức Phật. Trước đó thánh tích chỉ được mang ra cho nhân vật của hoàng gia Anh xem khi họ đến Ceylon, nên khi hai vị được cho cơ hội tương tự thì đó là vinh hạnh tột bực.
Dân chúng hỏi HPB thánh tích có đúng là răng đức Phật, bà vui vẻ đáp.
- Phải rồi, đó là răng của ngài, trong kiếp đức Thế Tôn làm cọp !
Liệt kê tựa một số bài nói chuyện của ông Olcott ta có như sau:
- Nirvana, Công Đức và việc giáo dục Trẻ Phật tử.
- Cuộc Đời đức Phật và Bài Học của nó.
- Theosophy và Phật giáo.
Qua những bài này, ông Olcott đã khởi xướng, giúp đặt nền tảng cho phong trào lập trường Phật giáo, giáo dục trẻ em tại Ceylon, với kết quả là một số trường thành lập sau đó tới ngày nay thế kỷ 21 trở thành những cơ sở giáo dục hàng đầu.

XII. Chấm Dứt Cuộc Viếng Thăm

Ta hãy thử ghi sơ lược thời biểu một ngày của ông Olcott trong chuyến du hành này.
- 8.30 sáng, nhiếp ảnh viên chụp hình.
- 9.30 ăn sáng và tiếp khách đến thăm hoặc đi ra ngoài thăm thân hữu.
- 1.30 trưa, nhận hội viên mới.
- 4 giờ chiều, giảng tại chùa, và sau đó nhận thêm người làm hội viên.
- Chụp hình.
- 7.30 tối, chưa ăn nhưng phải họp và nhận tân hội viên.
- 9 giờ tối, vẫn chưa được ăn mà phải thành lập chi bộ.
- Sau cùng nghe diễn văn chào mừng của cộng đồng Phật giáo, có đáp từ. Xong việc mới ăn tối và lên giường.
Như đã ghi, tại một số nơi ngoài việc nhận hội viên mới ông còn có thể lập chi bộ, tuy nhiên thời gian mới cho biết kết quả thực hay thực lực của các chi bộ, và ta không thể căn cứ vào con số để nói rằng hội tăng trưởng, hay con số là lý do đáng mừng về thành quả của hội. Ông Olcott ghi là từ đó trở đi vài chi bộ có hoạt động rất thưa thớt, gần như không làm gì ít nhất về mặt Theosophy, tuy có trợ giúp về mặt giáo dục. Không phải  vì họ không có tâm, mà phần nào vì không thông chữ nghĩa cho lắm.
Từ Colombo, phái đoàn được mời tới thăm và nói chuyện tại nhiều nơi khác, thời biểu các nơi ít nhiều giống như trên. Đặc biệt trong chuyến đi này, ông được mời đứng ra kết hợp hai phái Phật giáo khác biệt trên đảo Ceylon lại với nhau, dự vào cuộc thảo luận việc chấn hưng Phật giáo tại Ceylon, và mở trường Phật giáo. Ông được hâm mộ rất nhiều nên về sau nhìn lại, thấy rằng lỗi lầm to nhất đã phạm là không nhân dịp tình cảm trào dâng này để quyên số tiền lớn - là việc có thể làm được - nhằm xây trường Phật giáo, in sách Phật giáo và cho việc quảng bá nói chung.
Khi hoãn công việc phải làm này đến năm sau, chuyện hóa khó hơn nhiều lần cho ông, và tiền quyên góp bớt đi bội phần. Năm sau khi ông trở lại, dân cư bị thất mùa, cảng chính của Ceylon dời từ Galle sang Colombo làm cho Galle không còn trù phú, khiến mọi việc thay đổi.
Ngày 13.6.1880 phái đoàn lên tầu về Ấn Độ, mang theo kinh nghiệm lạ lùng, hình ảnh sống động, chuyến du hành kỳ thú, và lòng tốt của người địa phương mà họ còn nhớ mãi về sau. Nói riêng về ông Olcott và việc ông hăng say quảng bá Phật pháp chẳng những tại Ceylon mà còn tại Nhật Bản và Miến Điện sau này, có tài liệu ghi vua A Dục – Ashoka Maurya (268-232 BCE), người đã ra công phổ biến Phật giáo tại Ấn và Ceylon, là tiền thân của ông.

 

XIII

Nhân vật Moolji ta đã gặp trong những chương trên, tạ thế ngay trước khi hai vị về tới Bombay. Chiều ngày 4.8.1880 một Chân sư đến thăm HPB và ông Olcott được gọi vào gặp ngài trước khi ngài đi. Chân sư đọc cho viết một bức thư dài để gửi cho thân hữu có thế lực của họ tại Paris, và cho ông nhiều gợi ý quan trọng về việc điều hành những chuyện hội đang có. Ông được kêu ra khỏi phòng lúc ngài còn ở trong đó chưa xong việc, nên không biết khi ngài ra về thì ấy là sự biến mất lạ lùng hay là gì khác.
Cuộc viếng thăm thật đúng lúc cho ông do chuyện xẩy ra trong thời gian ấy cho ông và bà Blavatsky. Nhắc lại thì hai vị từ Hoa Kỳ sang Ấn cùng hai người khác là cô Bates và ông Wimbridge, rồi gần đây có thêm ông bà Coulomb đến ngụ chunng. Trong khi hai vị đi Ceylon thì có sự bất hòa giữa cô Bates và bà Coulomb; nay chuyện hóa lớn và nhóm bốn người ban đầu giờ có ông Wimbridge và cô Bates tách ra. Sáng hôm sau lúc cô Bates quay lưng về phía ông và lớn tiếng với HPB, một mẫu thư của Chân sư, Vị đến thăm hai người tối hôm trước, từ trong không rơi vào lòng ông. Mở ra thì có lời khuyên về cách đối phó hay nhất với khó khăn hiện tại.
Về sau ông Olcott nhờ thân hữu người Parsi giúp ông Wimbridge mở thương nghiệp. Ông tách ra theo đường riêng của mình và thành công lớn. Dầu vậy sự bất hòa ở trên là cớ cho một tờ báo tại Bombay viết bài bất lợi cho hội và Theosophy.
Chuyện khác là sau hai tháng vắng mặt, khi trở về ông  Olcott nhận thấy hội viên tại Bombay không hoạt động và chi bộ dường như đang ngủ say, không còn ai tha thiết đến công chuyện chung. Trong khung cảnh đó hai vị giữ cho tờ Theosophist vẫn xuất bản đều đặn mỗi tháng, và trả lời thư tín không trễ nãi. Hai người tiếp tục nỗ lực, vì họ biết và có chứng cớ liên tục là những đấng Cao Cả mà họ phụng sự, hằng che chở họ bằng tư tưởng mạnh mẽ của các ngài; đó là cái khiên ngăn chặn điều gì làm hại họ, và báo trước sự thành công sẽ đến.
Vài bạn hữu người Ấn và Parsi tới thăm hai vị thường xuyên, dần dần từng chút một ông Olcott và bà Blavatsky có trở lại lợi thế đã mất trên đất Ấn. Tại Hoa Kỳ hội dường như đứng yên một chỗ. Nay mọi việc tập trung vào hai vị, khiến họ thành hy vọng duy nhất cho sự sống còn của phong trào TTH, thế nên hai người không cho phép mình có phút nào giảm đi năng lực.
Nói cho sát thì hai vị không hoàn toàn trơ trọi vì còn có nhiều người thực tâm trợ giúp, trong số đó có Damodar Mavalankar. Anh đem hết cả tâm và trí lo cho công việc, với lòng tận tụy không ai sánh bằng. Người gầy gò ốm yếu như con gái, Damodar ngồi ở bàn mải mê viết lách, nhiều khi tới khuya mà nếu ông Olcott nhìn thấy sẽ kêu anh đi ngủ. Anh vâng lời và có lòng yêu quí HPB như tình mẹ con, lời của bà là lệnh mà anh sẵn sàng hy sinh mọi chuyện để thi hành. (tt)

(Old Diary Leaves, H.S. Olcott, còn tiếp)